ĐẠI ĐẠO LUẬN: ĂN CHAY
Tác giả:Đạo Trưởng Thiên Huyền Minh.
Người đời nhứt là các nhà thông minh đều cho đồ chay không bổ bằng đồ mặn,người ăn chay không mập mạnh và đủ sức khỏe để làm việc bằng người ăn mặn và không sống lâu được.Nếu có lấy thuyết:các loài ăn cỏ như voi,trâu bò ra để làm bằng cớ thì các bậc ấy cho rằng đó là loài có bộ phận tiêu hoá khác hơn loài người nên chúng mới to lớn và mạnh.Nếu có lấy thuyết Bác Ái ( nên yêu loài vật chớ nên sát sanh)thì được trả lời:”Trời sanh vật để dưởng Nhơn” rồi cho lý luận như vậy là đúng nên cứ đua nhau tìm món ngon vật lạ nơi các loài thú để thỏa thích khẩu vị của mình.
Nhưng theo thiểu kiến và sự kinh nghiệm của tôi thì tôi thấy có nhiều người tu đã trường chay đôi ba chục năm rồi,có người vẫn ăn Ngọ thời mà phần đông là người lao động nhưng vẫn mạnh dạn và làm việc nặng nề như thường.Lại nữa người ăn chay tuy không dùng thịt cá nhưng vẫn sống mạnh giỏi,còn người ăn mặn không thể nào ăn toàn thịt cá không đặng mà cần phải ăn những món ấy với cơm hay bánh mì cùng rau cải và trái cây.Vậy thì chất nào hoàn toàn bổ,lại nữa bắt hai con thú : một con ăn toàn đồ chay =lúa,
đậu,cỏ(con bò,bồ câu,cu đất..) và một con thú ăn thịt như con diều,con ó đem làm thịt để ăn chúng thì ta sẽ thấy thịt của con ó sẽ không ngon(tanh ),tất nhiên không bổ và ngon bằng thịt bò,bồ câu.Đây là bằng chứng chỉ rằng đồ chay có nhiều chất bổ và ngon,nên khi vào mình con thú nó hoá ra chất làm cho thịt con vật đó có nhiều chất bổ và ngon hơn,nhưng đến khi thịt con thú ấy sang qua thịt con thú khác thì nó bớt đi chất bổ và ngon hơn của đồ chay,do vậy thịt con thú sau phải tanh,không ngon,tất nhiên ít bổ.
Lại đến khi ta bị đau thì cấm dùng thịt cá,mà buộc phải ăn cháo với đường hoặc muối mà thôi.Những thuốc uống cùng thuốc tiêm để trị bệnh toàn lấy trong chất cây mà ra, như vậy có phải đồ chay bổ hơn đồ mặn không. Nếu nói thịt cá bổ hơn đồ chay sao lúc đau không ép chất thịt cá lấy mà uống hay tiêm cho mau hết bịnh mà chỉ dùng thịt cá khi mạnh, có người đau vừa bớt,tới cháo thịt cũng không dám ăn vì sợ trúng bịnh lại là tại sao? Như vậy thịt cá có bổ hơn rau cải đậu chỗ nào đâu? Dùng chất cây để trị bịnh ,
ăn chay lúc đau mới khá,khi mạnh thì mỗi bửa ăn đều dùng đồ chay trộn với thịt cá mới sống đặng rồi cho là đồ mặn bổ hơn đồ chay, có phải mình mâu thuẫn lấy mình không? Còn nói trong đồ chay thiếu chất bổ,phải ăn thêm thịt cá mới đủ chất bổ mới sống được vậy tại sao loài khỉ có bộ phận tiêu hoá và hình tích rất giống người nhưng nó có ăn thịt cá đâu mà nó vẫn mạnh và sống dai,trâu bò,voi ,lạc đà,ngựa nai .v..v..chỉ nhờ ăn cỏ mà được lớn con và làm công việc rất nặng thì há không phải là cây cỏ rau đậu có đủ chất bổ,nếu nói không hơn thì cũng bằng với thịt cá. Lại nữa,các loài ăn cỏ thì hiền từ, các loài ăn thịt thì hung dữ, như vậy có phải đồ chay bổ cho xác thân mà còn bổ cho tánh tình tức là linh hồn nữa.Nên con người muốn hiền từ,
người muốn tu cần phải ăn chay hơn ăn mặn vì những lý do sau đây :
1/-VÌ Lòng Bác Ái : Tất cả loài vật cùng người đều do Tạo Hoá sinh ra, chúng nó cũng có linh hồn có trí khôn,cũng biết đau đớn như người,tức nhiên loài vật là Em của ta,lẽ nào anh mà ăn thịt em cho đành ,
chúng nó cũng có tình chồng vợ,nghĩa cha con,
cũng đau buồn như ta khi bị phân rẻ.
2/- Vì Sự Tấn Hoá của loài vật: Loài vật sinh ra là để tấn hoá cũng như loài người,chúng nó cũng ham sống sợ chết,biết lo chạy trốn khi loài người ỷ sức mạnh rượt bắt giết chúng nó và kêu la khi sắp chết, nên người có lòng hiền từ không đành lòng ăn. Thầy Mạnh Tử cũng có nói “thấy con vật kêu la ta không đành ăn nó”.Đó là câu mà Thánh nhơn ở Đạo Nho khuyên ta phải ăn chay vậy.
Con vật nào sống lâu cũng khôn ngoan hơn lúc nhỏ, đó là sự tấn hoá của linh hồn nó và kiếp sau của nó sẽ tấn hoá hơn kiếp hiện tại.
3/- Vì Muốn Xa Lánh Sự Dâm Dục: Loài vật sinh ra là nhờ sự giao cấu của giống đực và cái nên thịt của chúng chứa toàn sự kích dục.Người ăn vào chất thịt đó để tạo thành máu thịt của người thì khiến người ưa sự dâm dục, mà dâm dục nhiều thì hại cho sức khỏe làm cho người mau tiều tụy, đây là điều đố kỵ cho người tu, vì người tu cần phải tuyệt dục (lý tuyệt dục sẽ nói sau) và vì lý nầy mà người trường chay không uống sửa và ăn trứng của loài gia cầm.
4/-Vì Muốn Bổ Dưởng Linh Hồn hơn Xác Thịt: Linh Hồn là tâm tánh của con người,nó vốn là linh quang của Đức Chúa Trời do chất Tiên Thiên Khí sinh ra nên vô hình,xác thịt do Hậu Thiên Khí sinh ra nên thuộc hửu hình. Còn loại rau cải chỉ hút tiên thiên khí của Trời Đất mà hoá sanh và lớn lên không vì sự giao cấu mà sinh sản,nên người ăn nó thì ít thích sự dâm dục và được bổ về phía Tiên Thiên (linh hồn) nhiều hơn phía Hậu Thiên (xác thịt). Lại tiên thiên thì rất cần cho người tu về bực Tối Thượng Thừa (sẽ có bài nói rõ về chỗ này).
5/- Vì Lý Tự Nhiên của Bộ Tiêu Hoá: Loài người có bộ tiêu hoá từ móng tới răng cùng ngủ tạng đều giống của con khỉ là loài ăn trái cây (chớ không giống bộ tiêu hoá của loài ăn thịt như cọp,chó,mèo và có móng nhọn,răng nhọn). Vậy theo lý tự nhiên con người là giống ăn rau cải cây trái chứ không phải là giống ăn thịt cá,nhưng tại người tập nhiểm ăn đồ thịt cá từ nhỏ cho đến lớn nên quen miệng rồi cho thịt cá là bổ,là ngon.Cũng như người bắt khỉ rừng về nuôi,tập cho chúng ăn cơm cá,hút á phiện sau đó nó quen và ghiền vậy, chứ nếu ai thử ăn rau cải chừng ít tháng rồi ăn thịt cá trở lại sẽ thấy chúng có mùi hôi tanh và nếu muốn ăn mặn lại thì phải tập ăn ít bửa sau mới biết ngon
, hết tanh.
6/- Còn Theo Lý Thiên Nhiên:( khoản nầy chỉ dành riêng cho bực Tối Thượng Thừa): Hồi đời Thượng Cổ khi Trời Đất mới sanh ra loài người thì con người chỉ biết lo tu nên không ăn uống,
nhưng lần lần vì lòng ham muốn vật chất khởi động con người mới biết đói và thèm ăn,lúc đầu chỉ ăn hoa quả sau ăn ngủ cốc và rau cải rồi tới ăn thịt thú cầm và phải chịu sa đọa khổ cực nhiều điều khó trở về căn bổn nên người tu muốn trở lại cựu ngôi thì phải đi trở ngược lại là bắt đầu không ăn mặn,chỉ ăn chay,sau giảm lần đến ăn hoa quả riết lần tới không còn ăn gì nhưng phải để tự bộ phận cơ thể giảm lấy nó chứ người mới tu không nên ép xác mà phải hao tổn và chết mất (Phật giáo có pháp nhịn đói uống nước tên là Pháp Vô Uý nhịn đói mỗi lần 7ngày.Ba tôi áp dụng pháp nầy lần thứ nhất là 9 ngày ,
lần thứ hai 18 ngày ,lần thứ ba 36 ngày.Bạn đạo của ba tôi mỗi lần nhịn đói uống nước đúng 100 ngày và vẫn làm việc đồng áng như mọi người).
Bộ phận con người cũng như bộ máy xe hơi,đồ ăn tức là dầu xăng,nếu xe chạy nhiều thì tốn dầu xăng nhiều, xe chạy ít thì tốn ít dầu, cũng như người hoạt động (kẻ lao động) thì phải ăn nhiều,người làm việc ít thì ăn ít, ban đêm ngủ thì ít đói hơn ban ngày,còn đêm nào thức làm việc thì sẽ thấy đói và cần ăn nếu không sẽ thấy xót ruột khó chịu.Còn chiếc xe không chạy mà được lau chùi thường thì xe sẽ lâu hư lại khỏi tốn dầu xăng hàng ngày. Người Tu cũng vậy, nếu được ngồi một chỗ thiệt tịnh định thì như xe hơi không chạy khỏi hao máu huyết. Nếu biết công phu nội công tứ thời lau chùi ngũ tạng lục phủ cho được tinh vi thì cũng như bộ phận xe hơi được lau chùi hằng ngày thì không hư,nếu biết thêm rút Tiên Thiên Khí của Trời mà bồi bổ cho thân mình cũng như loài cây vậy thì cần gì phải ăn uống cho nhiều.Đến chừng tu được có nước Bát Nhả Ba La Mật mà người thường gọi là nước Cam Lồ của Phật Quan Âm thì người tu sẽ nhờ nước ấy để bồi bổ cho ngũ tạng và làm cho các vi tế bào trong thân người đều được tươi nhuận mà ta thường nghe là nước Cam Lồ để cứu chúng sanh
( chúng sanh tức là các vi tế bào).Đến lúc nầy thì người tu không còn biết đói nên khỏi ăn mà vẫn mập mạp
( đoạn nầy có nhiều đoạn bí yếu khó giải rành Đặng).
Có người than rằng:”ăn chay thường xót ruột lắm nên không ăn Đặng” đó là tại sao? Ấy là tại thịt cá lâu tiêu hơn đồ chay nên bao tử của người ăn mặn khi có đồ ăn phải nhồi ít nhứt là 3 giờ thì đồ ăn mới tiêu hết,bây giờ ăn đồ chay vào thì chừng 2 giờ trở lại là tiêu hoá hết (vì đồ chay mau tiêu hơn thịt cá) nhưng bao tử nhồi thêm cả giờ nữa (vì
bao tử chưa quen sự thay đổi) thì tất nhiên ta thấy xót ruột và khó chịu,chảy nước dãi vì nước vị toan trong bao tử còn dư nhiều,rồi lại thêm ý thèm đồ mặn xen vào nữa, làm cho ta để ý thêm nhiều vào bộ tiêu hoá nên thấy khó chịu nhiều,
chớ nếu ăn chay quen rồi bộ tiêu hoá sẽ điều hoà trở lại theo sự dễ tiêu của đồ chay thì ta sẽ không còn thấy xót ruột,khó chịu nữa.Vậy người mới ăn chay cần phải ăn nhiều bữa,hể hơi đói thì ăn thêm sẽ hết xót ruột ngay (ăn bánh,trái cây).Khi mới ăn chay trường có sự thay đổi trong cơ thể,bớt chất Hậu Thiên thêm chất Tiên Thiên nên xác thân trong mấy tháng đầu có phần tiều tụy hơi mét xanh (có người khỏi bị sự nầy)nhưng khi ăn quen rồi chừng 3 hay 4 tháng sắp lên sẽ thấy lợi sức trở lại và nhiều khi đỏ da thắm thịt mập mạp hơn hồi ăn mặn cùng ít bịnh hơn,Nếu ăn được cơm gạo lức,gạo vo sơ nấu ăn ngọt và bổ hơn vo gạo (gạo phải nấu hai lần)hay uống nước cám rang thì sẽ khỏi sợ mất sức vì chất cám rất bổ.
Ăn Chay muốn Khỏi Đau và được Điều Hoà trong Cơ Thể thì cần biết sự Thạnh Suy của Ngũ Tạng và Cơ Thể theo thời tiết trong năm,cùng sự sanh khắc của ngũ hành và ngũ tạng.
Theo Lý Đạo nghĩa là theo lý thiên nhiên thì:Âm Dương hoà hiệp sanh ngũ khí là vàng-xanh-trắng-đỏ-đen; ngũ khí sanh ngũ hành là kim-mộc-thủy-hỏa-thổ;
ngũ hành sanh ngũ tạng là Tỳ(thổ),thận(thủy)tâm (hỏa),phế(Kim),cang( mộc)
Ngũ Tạng lại sanh Ngũ Khí để hiệp lại hoá Tinh và Huyết để bồi bổ và nuôi dưỡng cơ thể con người.
Nên hể ngũ tạng mạnh thì cơ thể mạnh,ngũ tạng suy thì cơ thể suy,đồ ăn vào là để bồi bổ cho ngũ tạng trước nhứt,vậy người tu cần phải biết những món ăn nào để bổ cho tạng nào và còn phải biết sự sanh khắc của mỗi tạng theo mùa của Trời Đất cho khỏi đau như:
1/-Mùa Xuân thuộc Mộc
tạng Cang,Đởm vượng thì tạng Tỳ-Vị suy vì Mộc khắc Thổ,những chất có vị Chua và màu Xanh phải ăn ít vì chất nầy bổ Cang và Đởm
(gần,mật). Nên ăn vị Ngọt và màu Vàng nhiều vì chất nầy bổ Tỳ và Vị đặng cho quân bình ngũ tạng thì khỏi bịnh.
2/-Mùa Hạ thuộc Hoả tạng TÂM,Tiểu trường vượng thì tạng Phế với Đại trường suy vì Hoả khắc Kim
, nên vị Đắng và màu Đỏ phải ăn ít vì chất nầy bổ Tâm và Tiểu trường.Nên ăn vị cay và màu trắng nhiều vì các chất nầy bổ Phế và Đại trường đặng cho tạng Tâm và Phế được hoà bình. Mùa Hạ thì Thổ cũng vượng nên Tỳ-Vị cũng vượng thì Thận cùng Bàng quang suy vì Thổ khắc Thuỷ,nên vị Ngọt và màu Vàng ăn ít vì chất nầy bổ Tỳ Vị, nên ăn chất Mặn.màu Đen nhiều vì chất nầy bổ Thận đặng cho Tỳ và Thận được hoà bình. Còn mỗi mùa Thổ vượng 18 ngày,chia ra ba tháng thì mỗi tháng có 6 ngày Kỷ Thổ thì những ngày nầy vị ngọt và màu vàng ăn ít, vị mặn và màu đen ăn nhiều.
3/- Mùa Thu thuộc KIM,
tạng Phế và Đại trường vượng thì Cang và Đởm suy vì Kim khắc Mộc,vị Cay và Trắng ăn ít vì chất nầy bổ phế,phải ăn nhiều vị Chua và màu Xanh nhiều để bổ Cang.
4/- Mùa Đông thuộc Thuỷ, tạng Thận và Bàng quang vượng,tạng Tâm và Tiểu trường suy vì Thuỷ khắc Hoả,vị mặn và màu Đen ăn ít vì chất nầy bổ cho Thận,nên ăn chất có vị Đắng,màu đỏ nhiều cho bổ Tâm đặng cho Tâm và Thận được hoà bình.
Đây là nói về người có ngũ tạng còn mạnh,còn những người thèm ăn ngọt hoặc chưa cũng còn tuỳ theo sự thạnh suy của mỗi tạng.
TRƯỜNG THIÊN.
Người ở Thế mãng lo ăn mặc,
Chịu đoạ đầy chôn chặt biển mê;
Khó mong cựu vị hồi về,
Cũng vì thịt cá nặng nề trược bao.
Người với Vật đồng nhau sanh trưởng,
Cùng một Cha nuôi dưỡng lớn khôn;
Cũng đồng có xác có hồn,
Cũng đồng Tạo Hoá sanh tồn dưỡng nuôi.
Vật cũng biết buồn vui đau khổ,
Cũng vợ chồng cũng chỗ cha con;
Thú cầm cũng muốn sống còn,
Để mà tấn hoá,để bòn cội căn.
Sao người nở giết phăng ăn thịt,
Sao anh đành làm thịt em khờ;
Khiến nên gặp cảnh bất ngờ
Trả vay lộn kiếp,bao giờ mản căn.
Ăn thịt thú khó năng ngộ tánh,
Bị Hậu Thiên khó lánh biển Trần;
Thú cầm dâm dục lần khân,
Khiến người ăn nó tham,
sân,dục tình.
Người tu cần xét mình cho kỹ,
Ráng bền lòng theo lý đạo mầu;
Trường chay giữ đặng bớt sầu,
Bớt câu ân ái,bớt rầu tinh suy.
Bởi thảo mộc không vì vật chất,
Rút Tiên Thiên làm vật nuôi mình;
Ăn vào được bổ hồn linh,
Vì tiên thiên khí hoá sanh tinh thần.
Người thiệt bổn về phần ăn Lạt,
Móng cùng răng giống tạc khỉ nhiều;
Sau vì ham muốn đâm liều,
Ỷ mình trí hoá,bày điều nọ kia.
Tánh năng tập khó lìa khi mến,
Thịt ăn quen rù quến thói tà
Mê Trần đành bỏ Cha già,
Nếu không cải hoá khó mà về sau.
Tu cần phải tương rau hẩm hút,
Mể cốc dùng lánh đục tầm trong;
Ngũ hành sanh khắc nằm lòng,
Bốn mùa ngũ tạng phải phòng món ăn.
Xuân thuộc Mộc nên Cang Đởm khởi,
Cử món chua sợ bởi hại Tỳ;
Vật màu xanh cũng bớt đi,
Ăn nhiều chất ngọt bổ ni tạng Tỳ.
Mộc khắc Thổ theo thì lý Chánh,
Dùng màu vàng để tránh phạt Tỳ;
Hạ thì Hoả vượng cung Ly,
Đại trường cùng Phế phải suy ít nhiều.
Vật cay trắng dùng nhiều bổ Phổi,
Cử Đắng-Hồng khỏi lỗi tạng Tâm.
Hạ thêm vượng tạng thứ năm,
Làm cho Thận thủy suy thâm ít nhiều.
Ngọt và Vàng ăn nhiều có hại,
Mặn,màu Đen dùng lại rất nên;
Thu sang Phế lại vượng lên,
Đởm Cang phải chịu lệch chênh ít nhiều.
Kim khắc Mộc là điều nên biết,
Trắng và Cay dùng thiểu đôi phần;
Xanh chua thì phải ân cần,
Khỏi lo cang đởm chịu phần khắc sanh.
Qua mùa Đông,Tâm đành chịu lép,
Cùng Tiểu trường bị ép suy dần;
Bởi vì Thận vượng đôi phần,
Màu Đen chất Mặn phải cần ít ăn.
Muốn bổ Tâm dùng tăng chất Đỏ,
Đắng ăn thêm hòng có bổ tim;
Như vầy khỏi sợ Hoả chìm,
Bốn mùa ngũ tạng khỏi điềm hưng vong.
Chất đại bổ tìm trong ngũ cốc,
Với ngũ màu lược lọc Tiên Thiên;
Giúp nuôi kẻ sĩ nhà thiền,
Khỏi lo bịnh hoạn vì duyên Chay Trường.
THI.
Chay trường đại bổ bởi tiên thiên,
Ngũ cốc tương chao giữ mối giềng.
Thịt cá tôm cua thêm khổ Hải,
Muối dưa lê-hoát(rau cải)
dưởng hồn nhiên.
Trả vay nợ thế cho tròn đủ,
Luyện đạo nhờ tinh,khí hạo nhiên;
Khổ cực kiếp nầy sau khỏi quả,
Trở về Tiên cảnh hưởng thiêng liêng. C.H.T.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét